Trải nghiệm chưa bao giờ là việc thừa thãi hay vô giá trị với một người. Mỗi một trải nghiệm dù có đem lại kết quả hay không cũng cho chúng ta những góc nhìn, kinh nghiệm và cả những mối quan hệ rất có ích sau này. Trong việc định hướng nghề nghiệp cũng vậy, trải nghiệm nhiều giúp chúng ta tìm ra hướng phát triển phù hợp với bản thân tại từng thời điểm.
Đặc biệt là trong ngành dữ liệu, không chỉ gói gọn trong công việc Phân tích dữ liệu (DA), ngành này còn có rất nhiều vị trí khác nhau nắm giữ những vai trò khác nhau trong doanh nghiệp.
Bài viết này dành cho những bạn đang tìm hiểu hoặc muốn chuyển sang làm việc trong ngành dữ liệu. Bài viết chia sẻ những kinh nghiệm ứng tuyển vị trí Intern, Fresher từ bạn Tùng – học viên của tôi và một số quan điểm của cá nhân tôi về thị trường tuyển dụng trong ngành dữ liệu tại Việt Nam.
Các nội dung chính
Kinh nghiệm ứng tuyển cho người mới
Giai đoạn ứng tuyển
Thông thường, có hai lý do chính khiến CV của một bạn intern, fresher bị loại, đó là:
- Không có nhiều kinh nghiệm làm việc
- CV thường phải trải qua nhiều vòng mới tới tay Hiring Manager (và với số kinh nghiệm ít ỏi thì CV của bạn chắc đã bị loại trước đó)
Giải pháp mà bạn học viên của tôi đã đưa ra là tự tạo lợi thế cạnh tranh cho bản thân, có thể thông qua một số việc như:
- Set up hệ thống Google Alert gửi email thông báo tự động khi có tin tuyển dụng phù hợp (chứa keywords đã cài đặt) để rút ngắn thời gian tìm việc
- Tự bổ sung các kỹ năng phù hợp với JD công việc
- Xây dựng Portfolio để làm nơi thể hiện các kỹ năng của mình trực quan nhất
- Sử dụng Linked In để chủ động tiếp cận tới Hiring Manager và gửi CV trực tiếp (hãy khéo léo)
Giai đoạn phỏng vấn
Thiếu kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Data cũng là một trong những lý do khiến các bạn ứng viên lúng túng trong buổi phỏng vấn. Vậy thì hãy chủ động tìm hiểu và chuẩn bị tài liệu có thể đưa ra để thể hiện khả năng của bản thân một cách trực quan nhất có thể nhé.
Ví dụ như bạn Tùng, dù chưa có kinh nghiệm nhưng đã chủ động tìm hiểu về công ty mà bạn đó ứng tuyển để vẽ ra một bản Customer Journey và một bản Mô hình kinh doanh́, từ hai sản phẩm này, bạn Tùng thiết kế ra một Data Model nhỏ về Sale & Marketing của công ty để trình bày trong buổi phỏng vấn.
Từ góc nhìn của nhà tuyển dụng, nếu tôi thấy một ứng viên chuẩn bị kỹ càng như vậy, tôi sẽ đánh giá bạn ấy là một người rất chủ động, nghiêm túc với công việc và tôi cũng đánh giá rất cao khả năng tự học của bạn ấy.
Ngoài ra, có một sự thật là trong thời đại công nghệ số, cho dù bạn chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng bạn thành thạo ít nhất một kỹ năng về kỹ thuật (technical skill) thì đó sẽ là lợi thế cạnh tranh dành cho bạn.
Tuy nhiên, cũng có thể công cụ, kỹ thuật mà công ty sử dụng khác với thứ mà bạn biết. Vậy nên hãy tìm hiểu kỹ về công ty đó, về những yêu cầu cho vị trí công việc mà bạn ứng tuyển, để ít nhất dù bạn chưa biết dùng một công cụ, kỹ thuật cụ thể thì bạn vẫn hiểu được nó là gì, quy trình hoạt động như thế nào và những kỹ năng cần có. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn chưa biết là do bạn chưa có cơ hội tiếp cận và bạn hoàn toàn có khả năng học hỏi nhanh.
Một tip rất hay khác mà bạn học viên Tùng đã áp dụng đó là “Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, cụ thể là bạn ấy sẽ tìm kiếm thông tin về người có thể sẽ phỏng vấn mình, hoặc chỉ là nắm bắt tâm lý của nhà tuyển dụng khi đang phỏng vấn, để đoán xem người phỏng vấn mình có xu hướng quan tâm tới technical skills hay business knowledge hơn và thể hiện bản thân ở khía cạnh đó.
Tip thứ hai mà bạn Tùng chia sẻ chính là tạo dựng mối quan hệ với nhà tuyển dụng dù có được nhận hay không. Điều này rất hữu ích vì dù chưa được nhận vào làm thì bạn vẫn có thể học hỏi được rất nhiều từ những người giỏi hơn, chưa kể khi họ đã có ấn tượng với bạn thì nếu như có một cơ hội khác, biết đâu họ sẽ nhớ tới bạn.
Giai đoạn thử việc
Mặc dù đã pass phỏng vấn và nhận được mail mời thử việc nhưng không có nghĩa khó khăn đã dừng lại, mà nó chỉ là một khởi đầu cho rất nhiều thách thức mà các bạn cần vượt qua trong giai đoạn tiếp theo: thử việc.
Thử thách đầu tiên của bạn Tùng khi apply thành công vị trí Data Analyst (DA) intern cũng chính là bước đầu tiên trong quy trình xử lý dữ liệu thông thường của một DA: thu thập dữ liệu. Điều này hoàn toàn hợp lý vì trong nhiều doanh nghiệp, dữ liệu có thể nằm rải rác ở nhiều bộ phận hay ở bất cứ đâu. Việc thu thập chúng có thể tốn rất nhiều thời gian, từ lúc gửi yêu cầu tới lúc đợi chờ các bộ phận tổng hợp và gửi lại cho bạn.
Giải pháp mà bạn Tùng đưa ra đó là vận dụng kỹ năng giao tiếp để trao đổi về nhu cầu của mình và nắm bắt mong muốn của các bộ phận trong quy trình làm việc, từ đó tạo ra một quy trình ăn ý hơn, tối ưu cả đầu vào lẫn đầu ra sản phẩm của bạn.
Thử thách tiếp theo mà bạn Tùng gặp phải chính là thiếu technical skill để áp dụng vào công việc, đây cũng là vấn đề của nhiều bạn intern, fresher.
Tuy nhiên, thái độ hơn trình độ, đừng ngại học hỏi từ chính những đồng nghiệp của bạn, ngoài ra bạn có thể làm song song một dự án tương tự nhưng quy mô nhỏ hơn để có cơ hội thực hành các kỹ năng hoặc đơn giản là tự học online.
Đó là những chia sẻ rất thực tế về kinh nghiệm ứng tuyển vị trí Intern, Fresher trong ngành Data, mà bạn Tùng đã tích lũy được qua những lần ứng tuyển cả thành công lẫn chưa được nhận của mình. Phần 2 của bài viết sẽ là về những quan điểm của tôi về thị trường việc làm ngành Data, dưới góc nhìn của một nhà tuyển dụng và một nhà đào tạo.